|
Ngày ra mắt sách :
Tuyển tập Tiểu Tử
Hội Ái Hữu ĐHSP SG tổ chức
Đỗ Bình: Đôi dòng về nhà văn Tiểu Tử
Ở xứ người ngôn ngữ thường dùng hàng ngày là ngôn ngữ bản xứ, tiếng mẹ đẻ ít được sử dụng nên dần bị quên lãng! Dù đã trên 41 năm kể từ biến cố 30 tháng tư, ở hải ngoại mỗi người Việt tha hương đều mang trong hồn văn hóa dân tộc do đó họ đã thành lập những trung tâm dạy việt ngữ, các cơ quan truyền thông báo chí, truyền thanh, truyền hình và những tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó là những món ăn tinh thần không thể thiếu của người việt hải ngoại. Mười mấy năm qua trên các diễn đàn mạng, và tạp chí văn học xuất hiện một cây bút miền Nam lối văn rất đặc thù của miệt vườn, đó là nhà văn Tiểu Tử. Miệt vườn ở đây ngoài cách xử dụng ngôn ngữ địa phương, cách diễn tả phong tục tập quán và còn có lối suy nghĩ của người miền Nam. Ở miền Nam vào thế kỷ trước những nhà văn miệt vườn tiêu biểu như: Nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Bình Nguyên Lộc, nhà văn Sơn Nam... Ở hải ngoại, Canada có cố nhà văn Nguyễn Văn Ba, ở Pháp: Marseille có cố nhà văn An Khê, Rouen có cố nhà văn Hà ngọc Bích, Troyes có nhà văn Hồ Trường An, Paris có nhà văn Tiểu Tử. Như các bạn đã biết nhà văn Tiểu Tử nguyên là một kỹ sư tốt nghiệp tại Pháp và về nước vào cuối thập niên 50 ở thế kỷ trước, khởi đầu bằng nghề dạy học. Nguyên nhân nào từ một nhà khoa học, một nhà giáo Võ Hoài Nam lại trở thành nhà văn? Qua những điều tôi được biết do chính nhà văn hoặc bằng hữu kể: Ngày từ thuở còn đi học ông Võ Hoài Nam đã được trời ban cho một tâm hồn đầy cảm xúc thể hiện qua đôi bàn tay họa sĩ khéo léo để vẽ những bức tranh sơn dầu bằng những đường nét hình tượng. Ông vẽ rất đẹp và đã vẽ phông cho các tuồng tích cải lương, vẽ ký họa, biếm họa cho các nhật báo Sài gòn thuở ấy, điển hình là tờ báo Tiến của nhà báo Đặng Văn Nhâm. Dấn thân qua những lãnh vực nghệ thuật hội họa, cải lương, cộng với kinh nghiệm của báo chí đã giúp cho ông nhiều chất liệu sống để sáng tác. Cải lương giúp cho ông có cái nhìn nội tâm về các nhân vật diễn tả những tình cảm ẩn chứa trong từng vai, nhất là cách trích đoạn tuồng. Hội họa giúp cho ông có cái nhìn về cận ảnh, viễn ảnh, phân cảnh và màu sắc, báo chí giúp cho ông có cái óc quan sát và ghi nhận. Thừa hưởng những thứ trên nhà văn Tiểu Tử đã hòa vào tâm hồn mình để đưa vào tiểu thuyết, ông đã dùng một lối văn phong đặc thù miền nam, câu văn giản dị nhưng ý tưởng sâu sắc, câu chữ trong đối thoại chọn lọc có ẩn ý. Nhà văn Tiểu Tử đã dùng một lối văn phong hiện thực phê phán chế độ xã hội chủ nghĩa VN, ở đó đầy rẫy những bất công, nhân quyền bị chà đạp thân phận con người bị ngược đãi nên chất ngất những lời than, tiếng dân ai oán! Nhà văn đã thu những hình ảnh đó và đồng cảm với những nỗi đau của họ qua ngòi bút đã tạo một sắc thái riêng nhưng giữ được nét đặc thù của tiếng mẹ đẻ. Những cống hiến đó nhà văn Tiểu Tử đã lưu lại những trang sách Việt trên xứ người góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Việt hải ngoại. (Đỗ Bình, Paris 05 tháng 6 năm 2016)
GSTS Trần Văn Cảnh: Đọc «Tuyển tập Tiểu Tử»
Xưa cũng như nay, thời nào cũng vậy, chất lượng của một tác phẩm văn hóa tri thức vô vật thể đều có thể được tìm hiểu và định lượng theo ba yếu tố khác nhau : do tài khéo của tác giả sáng tác, do chất lượng của tác phẩm hoàn thành và do sự thỏa mãn và mến phục của những người đọc. Do đó, để tìm hiểu về một tác phẩm văn chương, ba câu hỏi liên hệ đến người đọc, đến nội dung sách đọc, và đến tác giả sáng tác sẽ phải được đặt ra. Hôm nay, chúa nhật 05.06.2016, được mời phát biểu trong buổi ra mắt sách « Tuyển tập Tiểu Tử », tôi đã đọc sách này và xin góp vài ý mọn. Chúng ta đã biết những ai đã đọc các sách đã phát hành của Tiểu Tử. Chúng ta cũng đã biết Tiểu Tử là ai. Chúng ta chưa biết nội dung sách « Tuyển Tập iểu Tử ». Vì vậy, tôi đề nghị về độc giả và về tác giả, chúng ta sẽ vắn tắt nhắc lại, mà để dành nhiều thời giờ hơn tìm hiệu nội dung của cuốn sách được ra mắt hôm nay.
A. Những ai đã đọc Tiểu Tử ?
Đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi biết đến nhà văn Tiểu Tử và tìm đọc sách của ông. Chẳng những họ đọc mà còn chuyền tay, biếu tặng nhau sách của ông. Hoặc hăng hái và quí mến hơn nữa, họ lập những trạm tin học để viết và nói về Tiểu Tử.
Cách đây ba năm, vào tháng 02 năm 2013, tôi hết sức ngạc nhiên, khi một anh bạn lái taxi trẻ đưa tặng tôi cuốn sách « Chị Tư Ù » và nói với tôi : « Cháu xin biếu bác tập sách này. Hay lắm. Bác về đọc xem có đúng vậy không » ? Được mời tham dự buổi ra mắt sách của Tiểu Tử, tôi tìm đọc Tiểu Tử và rất ngỡ ngàng khi khám phá ra 24 mạng lưới tin học viết và nói về Tiểu Tử, trong đó, 14 mạng trình bày những tác phẩm viết của Tiểu Tử. Ai muốn đọc thì tha hồ lên đọc. Đó là : vnthuquan, quehuongta, vietnamdaily, daihocsuphamsaigon, taberd75, baovecovang2012, vietbao, vulep, ngoctrac, phusaonline, lamtamnhu tháng 2.2016, lamtamnhu tháng 4.2016, aejjrsite và khoahocnet. Số bài trình bày trên các mạng này biến thiên từ 1 đến 42 bài ; 4 mạng đọc truyện Tiểu Tử dưới dạng « Youtube » để ai thích, có thể nghe ; và 6 mạng trình bày những ý kiến phân tích hay phê bình về những tác phẩm của Tiểu Tử. Nhìn qua những người hay cơ quan, hội đoàn phổ biến về Tiểu Tử như vậy, rõ rệt ai cũng đã thấy rằng có rất nhiều người đã đọc những sách truyện ngắn của Tiểu Tử. Tương lai, chắc chắn sẽ còn có nhiều người hơn sẽ đọc Tiểu Tử.
B. Tác phẩm « Tuyển tập Tiểu tử », ra mắt hôm nay ở Paris, viết gì ?
« Tuyển tập Tiểu Tử » ra mắt hôm nay ở Paris là một tập sách được « Người Việt » xuất bản in tại Mỹ, năm 2016. Sách dầy 200 trang, gồm 14 truyện ngắn : Bài ca vọng cổ, Chị Tư Ù, Con Mén, Làm thinh, Made in Việtnam, Mùa Thu Cuộc Tình, Người viết mướn, Nội, Ông già ngồi bươi đống rác, Tấm vạc giường, Thằng đi mất biệt, Tô cháo huyết, Xíu, Thằng chó đẻ của má.
Để tìm hiểu kỹ cái nội dung của Tuyển Tập Tiểu Tử, sau đây chúng ta sẽ phân tích cấu trúc truyện ngắn thứ nhất « Bài ca vọng cổ » để tìm hiểu cái văn phong độc đáo trong cấu trúc truyện ngắn của Tiểu Tử. Sau đó chúng ta sẽ phân tích tóm lược từng truyện của tất cả 14 truyện. Rồi tóm kết bằng một cái nhìn tổng hợp về cái nội dung chung của 14 truyến ngắn ấy.
B1. Phân tích cấu trúc truyện ngắn « Bài ca vọng cổ »
Tiểu tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn. Chúng ta thử cùng nhau phân tích truyện « Bài ca vọng cổ », để khám phá cấu trúc kể truyện, mà tìm ra cái văn phong độc đáo mà Tiểu Tử đã dùng để chuyên chở nội dung ông muốn trình bày. Truyện ngắn này dài 10 trang, khổ A5, từ trang 7 đến 16, được bố cục một cách mạch lạc và rất giáo khoa, qua bốn phần.
Phần 1 nhập truyện (tr. 7-11) : giới thiệu hai nhân vật, một người Việt nam lưu vong ở Côte d’Ivoire Phi châu, là « ông chủ » làm việc cho Công ty Đường Mía của Nhà Nước, trên đường về thủ đô Abidjan dự họp, gặp một « anh đen còn trẻ », hát vọng cổ Miền Nam tại phi trường quận Touba. Qua vài câu giới thiệu, mỗi người đều xưng mình là người Việt Nam. « Tôi là người Việt Nam » - ‘Trời ơi ! … Bác là người Việt Nam hả ? Con cũng là người Việt Nam nè ! « Trời ơi ! Con mừng quá! Trời ơi ! Bác biết không ? Bao nhiêu năm nay con thèm gặp người Việt để nói chuyện cho đã. Bây giờ gặp bác, thiệt… con mừng « hết lớn » bác à !
Phần 2 khai truyện (tr. 11-14) chứng minh mình là « Người Việt Nam ». « Anh đen còn trẻ » nêu ra 14 điều chứng minh anh ta là Việt Nam, Việt Nam lai đen qua ba giai đoạn. Những lý chứng khởi đầu về cách sống, văn hóa Việt Nam : Cách mời thuốc bằng hai tay, cách chẹt quẹt máy Việt Nam, quẹt máy là quà tặng của ông ngoại cho khi còn sống, khoe được ông ngoại thương, Xác nhận mình lai Việt Nam. Những lý chứng khắc phụ về lịch sử, sinh lý và xã hội : sinh và lớn lên ở Sài Gòn, có má quê ở Nha Trang, đã chết ở Nha trang khi Việt Cộng vô năm 1975, Nhờ có dân Tây, sau 1975 được hổi hương, đi quân dịch cho Pháp xong rồi, Con có lai chớ. Bên nội (đen) của con là nằm ở bên ngoài (đen) đây nè ! Còn bên ngoại của con (trắng), nó nằm ở bên trong. Ở đây, ở đây nè bác. Con lai Việt Nam chớ bác ! Những lý chứng quyết liệt : Ở đây người ta nói con không giống ai hết, bởi vì con hành động, cư xử không giống họ. Bà nội con cũng nói như vậy nữa ! Còn con thì mỗi lần con nhìn trong kiếng, con vẫn nhận ra con là người Việt Nam. Bác coi có khổ không...
Phần 3 kết truyện Tìm ra đồng thuận (tr. 14-15) : Gặp một người giống mình, thiệt là Trời còn thương con quá, Cả hai (hắn và tôi) cùng một tâm trạng, Nhớ Sài gòn quá nên con hay ca vọng cổ, Con đang ca bài « Đường về quê ngoại » đó bác, Vọng cổ là cái chất của Miền Nam mà bác, Thôi, bác đi mạnh giỏi. Con tên là Jean. Ở đây ai cũng biết « Jean le vietnamien » hết. Bỗng hắn ôm chặt lấy tôi. Tôi nghe giọng hắn lạc đi : Ghé con nghe bác… ghé con.
Phần 4 Vấn nạn giáo dục có tính cách tự kiểm (tr. 15-16) : Bây giờ viết lại chuyện thằng Jean mà tôi tự hỏi : « Trong vô số người Việt Nam lưu vong hôm nay, còn được bao nhiêu người khi nhìn trong gương, vẫn nhận ra mình là người Việt Nam »? « Và có được bao nhiêu người còn mang mếnh trong lòng bài ca vọng cổ, để thấy hình ảnh quê hương vẫn còn nằm nguyên trong đó » ?
B2- Phân tích tóm lược từng truyện của 14 truyện trong « Tuyển Tập Tiểu Tử »
1. « Bài ca vọng cổ » (tr. 7-16) : truyện tác giả gặp một « anh lai đen còn trẻ », ở Abidjan có biệt danh là « Gioan, người Việt Nam », « má Việt Nam chết ở Nha Trang, hồi Việt Cộng vô năm 1975 ». Anh ta « biết nói tiếng Việt Nam, và biết nhận mình là người Việt Nam », thèm gặp người Việt Nam để nói chuyện cho đã… Nhớ Sài gòn quá nên hay ca vọng cổ cho đỡ buồn ».
2. « Chị Tư Ù » (tr. 19-41) : truyện một cô gái bán cá ở chợ, tính tình đôn hậu, chứng kiến cảnh « thằng cha Bắc kỳ công an ác ôn, dám gọi thằng con của chị, liệt sĩ (VNCH) ở Kontum là lính đánh thuê. Nó còn dám bắt giam, rồi giết anh Út Cón, bạn bồ từ nhỏ của chị. Thấy rằng mình phải bảo vệ gia đình Út Cón, nửa đêm khuya, chị đã đến nhà tên công an « bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá ». Thằng « Trời đánh » nằm một đống, không nhùc nhích.
3. « Con Mén » (tr. 43-67) : truyện một cô gái quê, mà bà nội gọi là « con Mén », vì khi sinh ra, nhỏ xíu như con mèo. Việt Cộng tràn về chiếm hết Miền Nam. Mấy ngày cuối tháng tư 75 thật là kinh hoàng. Ba nó tả tơi, rồi bị công an đưa bộ đội đến bắt dẫn đi. « Má nó bị họ cho nghỉ việc. Sợ mấy đứa cháu ở lại sẽ bị cùi, bị ngu, bà chị má con Mén quyết định cho má con con Mén phải qua Phi Châu ở với bà. Con Mén kể hết chuyện đời nó cho tác giả và xin ông dậy nó học chữ quốc ngữ để viết thơ cho ba nó. Tác giả rất cảm động, và đã nhận lời dậy nó học chữ quốc ngữ.
4. « Làm thinh » (tr. 69-84) : Ngày 30 tháng tư đến, ai cũng muốn di tản. Nhưng ông Lê Tư không chịu đi, cậy công rất giầu có, từ bao lâu nay đã gửi tiền giúp cách mạng và đã được « họ » liên lạc cách đây hơn tháng xin ông ở lại giúp xây dựng đất nước.. Nào ngờ, đánh xong Mỹ Ngụy, cách mạng quay đánh tư sản : Ông Lê Tư bị mời tới mời lui « làm việc », bị lấy hết tài sản : các văn phòng, kho lẫm, biệt thự, dụng cụ, chương mục ngân hàng,… Ông Lê Tư « làm thinh ». Bà Lê Tư chạy chọt, đút lót xin được xuất cảnh cho hai ông bà sang Pháp với con trai là Lê Tuấn, được ông bà gửi đi du học từ hồi 15 tuổi, mà nay đã thành đạt, có vợ đầm và 2 con, ở khu nhà giầu Neuilly. Nhưng rồi nói chuyện trên xe và về nhà, ông bà Lê Tư đã thấy rằng thằng con của ông bà đã đứng hẳn về phía bên đó rồi. Cách mạng đã cướp hết tài sản của ông và cướp luôn thằng con của ông. Ông « làm thinh » nữa. Ông được con trai chở ra nhà nghỉ mát riêng của mình ở vùng biển, có thuê người coi giữ. Sau hai tháng ở đây, một hôm ông Lê Tư chống ba-toon đi ra biển. Đứng trên mép bờ đá dựng, ông liệng cây ba-toon, rồi hít một hơi dài, bước thẳng vào khoảng không trước mặt. Từ bây giờ, ông « làm thinh vĩnh viễn ».
5. « Made in Việtnam » (tr. 87-98) : Truyện một cô gái Việt ở Mỹ có số phận hẩm hưu : mẹ thì bỏ đi lấy Mễ, bố thì ôm được bà Mỹ góa chồng có tài sản. Một bác sĩ Việt Nam khám bệnh cho cô, cảm động vì dòng chữ cô xâm trên mình “Made in Việtnam” và về hoàn cảnh cô. Bác sĩ kể chuyện cô gái cho vợ nghe. Bà đề nghị giúp tiền cho cô học nghề. Mãi sau nhờ bà bác sĩ mời, khuyên nhủ, thân tình, cô mới chịu. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm. Cô đến thăm ông bà hoài và làm nail cho vợ và các con gái con dâu tôi. Ngày giỗ, ngày Tết, cô đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi. Cô là « Con người ở có tình có nghĩa ».
6. « Mùa Thu Cuộc Tình » (tr. 99-118) : Truyện ông Năm vượt biên 2 năm sau ngày mất nước, bà bị bắt lại. Ông lưu vong sống cô đơn giản dị và đều đặn ở Paris. 10 năm sau, vợ ông được chiếu khán xuất cảnh. Ông bà hạnh phúc gặp lại nhau. Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn. Một tháng sau bệnh ung thư phổi của bà tái phát ở thời kỳ chót. Bà mới cho ông Năm biết lý do bà được xuát cảnh là nhờ khám thấy ung thư, chứ không như họ bảo « nhờ lòng khoan hồng nhân đạo của nhà nước cách mạng ». Ông Năm ngồi bên giường vợ suốt thời gian cuối cùng của mùa thu cuộc tình đầy hạnh phúc.
7. « Người viết mướn » (tr. 119-131). Truyện ông già bị « cách mạng tịch thu tài sản, sống cầu bơ cầu bất ở vùng kinh tế mới. Ông biên thơ cho tổng thống Côte D’Ivoire, nhận được visa và luôn 3 vé máy bay cho ba cha con. Ông và hai con lưu vong ở Abidjan, Phi Châu. Ông biên thơ báo tin cho các bạn bè cũ ở Pháp ở Mỹ, nhưng chẳng có ai trả lời. Ông được một anh da đen cho phụ giúp làm nghề viết mướn. Thành công trong nghề viết mướn, hai năm sau ông định viết thơ cho mấy thằng bạn hồi đó, báo tin làm nghề viết mướn với người đen, mà lòng không đen.
8. « Nội » (tr. 133-149) : Truyện một người mẹ lo cho con trai độc nhất của mình và cho các cháu của bà. Trong sự thiếu thốn triền miên của chế độ xã hội chủ nghĩa, Bà đặc biệt lo miếng ăn cho con cháu, mà không quên lo xa cho tương lai con cháu, thúc dục con « đừng vì tao mà bắt mấy đứa nhỏ phải hy sinh tương lai của tụi nó. Mầy liệu mà đi đi. Đi thoát lần đầu. Rồi ba bốn năm sau chạy chọt cho vợ con rời Việt Nam, sang xum họp ở Pháp. Nhớ lại những lời vợ con kể, người con trai lưu vong thương má và quê hương vô cùng.
9. « Ông già ngồi bươi đống rác » (tr. 151-157). Truyện một ông Đại Doanh Thương, nuôi Việt Cộng trong nhà, cho đến năm 73 họ mới lần lượt rút đi. Hồi tháng tư 75, ông không di tản. Sau đó, khi cách mạng « đánh tư sản mại bản », ông cũng bị đánh tơi bời, bị tịch thu tài sản, bị đi tù cải tạo. Và như vậy, bây giờ ông ngồi bươi lại đống rác, giống như bươi lại dĩ vãng của ông.
10. « Tấm vạc giường » (tr. 159-169). Truyện một chàng làm mướn coi vườn được chủ thương cho đất và cất nhà cho nữa. Rồi chàng gặp một nàng, tên Huệ. Rồi chàng và nàng quen nhau, nghĩ đến tấm vạc giường, đặt một tấm bằng tre, chở về nhà trải lên cái giường gỗ. Rồi chàng và nàng thường hay gặp nhau, tỏ tình, xin cưới, được nàng trả lời « Tính sao cũng được ». Nhưng vụ tháng tư 75, chủ sai đưa tiền về cho em gái ông ở Cần Thơ. Chồng bà này là thiếu tá hải quân hốt cả nhà, kể cả chàng làm mướn lên tầu đi Mỹ. Làm ăn dành tiền, chàng về Việt Nam tìm lại người yêu. Nhưng trễ rồi, Huệ đã đi theo một ông người Á Đông. Chàng lấy máy bay trở về Mỹ mà nghe buồn rười rượi.
11. Thằng đi mất biệt » (tr. 171-176). Truyện bà mẹ đợi con trai út, sĩ quan của quân đội cũ, sau ngày giải phóng. Tối ngày làm thinh, bà ngồi bó gốitrên bộ ván ngoài hiên, ăn trầu, nhìn đăm đăm ra phía rạch, như đợi như chờ cái gì : Tao đợi thằng Trực, « Thằng Đi mất biệt ». Thời gian sau, khi trời nắng ráo, bà hay đi tuất ra ngoài vàm rạch, lên ngồi trên mộ đất để có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Người mẹ đợi con đó ngã bịnh rồi chết, hai năm sau. Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà còn rán thì thào : « Bây chôn tao ở đầu vàm cho tao thấy thằng Trực trỏ về ».
12. « Tô cháo huyết » (tr. 177-182). Truyện bà xẩm Đa Kao đầy tình người trước cái đói sau « giải phóng », và vẫn xưng hô theo thói quen cũ, chứ không trịch thượng, hay bình đẳng mà xưng « anh », « chị ».
13. « Xíu » (tr. 183-190). Truyện tình giữa một chàng trai Việt với một cô gái Tầu đổ nát ngày cách mạng thành công, 30 tháng tư. Những người « cách mạng » xông vào nhà ngang nhiên và hùng hổ như một bọn cướp. Gặp gì kiểm kê nấy. Vậy rồi…hốt hết. Rồi cán bộ cách mạng « nhào ra làm ăn ». Họ cũng tổ chức đi chui, nhưng là một loại đi chui không sợ bị bắt, vì có chánh quyền …hộ tống.
14. « Thằng chó đẻ của má » (tr. 191-196). Truyện một người con đi chui. 25 năm sau, tuy mới 72 tuổi, mà cứ bịnh lên bịnh xuống, đã quyết chí phải về mừng thọ 100 tuổi của má. Rồi từ đó, ba năm rồi, đã không về thăm má. « Thằng cho đẻ của má » vẫn còn « trôi sông lạc chợ ». Má thương con, xin má tha thứ cho con… tha thứ cho con.
B3. Tổng hợp tóm tắt nội dung của 14 truyện ngắn trong « Tuyển Tập Tiểu Tử »
Tất cả 14 truyện ngắn này đều xoay quanh một đề tài chung là « Nước Việt, Người Việt và Tiếng Việt ». Một nước Việt rút nhỏ vào Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng Hoà cũ, sau ngày 30 tháng 04 năm 1975. Những người Việt gồm hai loại chính. Một là công an quân đội Bắc Việt ác ôn tràn vào Miền Nam Việt Nam, dụ thêm những người Miền Nam, những người « ăn ở bất nhơn thất đức, đi rêu rao, đâm thọc » làm tay sai ; Hai là những người Miền Nam chân chính, thật thà, nhân hậu. Họ gồm nhiều chức bậc và qui chế khác nhau, có thể là dân thường, cựu quân nhân, sĩ quan, hay công chức chế độ cũ. Họ ở vào những hoàn cảnh khác nhau, có thể là đã vượt biên, lưu vong bên Tây, bên Phi, bên Mỹ rồi, hay còn kẹt trên đất nước Việt Nam. Tất cả những người Miền Nam chân chính này đều bị đánh. Đánh như đánh Mỹ Ngụy, trong các trại tù cải tạo. Đánh như đánh tư sản trong nhà, bị tước đoạt mọi tài sản, mọi nhà cửa, mọi vật dụng, bị tơi bời, đói khổ. Nhưng tất cả, họ đều có lòng yêu thương Nước Việt, yêu thương Người Việt và yêu thương Tiếng Việt.
C. Tiểu tử là ai ?
Tiểu tử là nhà văn có biệt tài viết truyện ngắn, với bảy nét văn phong độc đáo. Thứ nhất là dùng từ ngữ bình dân chân thật Miền Nam. Ngôn ngữ bình dân này đã được nhận ra ngay từ các tên đề truyện, cho thấy rõ nét sống động, thực tế, khách quan của hết các truyện ngắn của Tiểu Tử. Thứ hai là sự giản dị, nhưng đầy đủ của các tình tiết trong truyển kể, khiến người đọc có cảm tưởng rằng những sự kiện thực tế hằng ngày đã được một cái óc phân tích hóa học phân tích ra và thâu thập được hết các yếu tố cần thiết. Thứ ba là sự tổng hợp minh bạch của cấu trúc mạch lạc rõ ràng dễ hiểu của truyện viết. Độc giả nhận ra đâu đây có một bộ óc tổng hợp vật lý đã theo dõi các biến chuyển rồi thâu nhận, ghi nhớ, xếp đặt, tổng hợp và trình bày ra trong các truyện ngắn được viết. Thứ tư là cái tâm hồn nhân hậu, nhậy cảm, đầy tình người có giọng văn chân thành, giản dị, gợi cảm làm nhiều độc giả xúc động không cầm được nước mắt. Thứ năm tính chất giáo khoa lịch sử của truyện. Lịch sử chính biên của nhà nước có khi bỏ sót, viết sai, thêm sai. Nhưng những truyện kể của Tiểu Tử là những truyện thật, viết ra từ chính cuộc sống thực mà ông đã nhìn thấy, nghe được, cảm nhận được. Thứ sáu là giọng văn giáo dục sư phạm của ông. Nhờ cái óc khoa học này, trong bản chất nội tại của chúng, các truyện ngắn cũa Tiểu Tử đã hàm chứa và toát ra cái nét giáo khoa, sư phạm trong văn phong của ông. Thêm vào đó, trong một số truyện ngắn, sau khi đã kể truyện xong, nét văn phong thứ bảy đã được nêu ra, với một vài nghi vấn giáo dục, có tính cách tự kiểm.
Nhưng vượt trên cái biệt tài của nhà văn viết truyện ngắn, và là nền tảng khiến cái biệt tài ấy được thành công là cái con người rất người của Tiểu Tử. Văn là người. Mỗi truyện là một mảnh đời, với những tâm tình, ngôn ngữ, văn phong của Tiểu Tử. Đọc 14 truyện ngắn, độc giả sẽ dần dà nhận ra con người sâu thẳm và chân thật của Tiểu Tử. Đó là một người Việt Nam có “Tình Yêu Thương Việt Nam » (Bài ca vọng cổ), có « Tình yêu thương Người Việt Nam » (Chị Tư Ù, Made in Vietnam, Nội, Tô cháo huyết, Thằng chó đẻ của má), và có « Tình yêu thương Tiếng Việt Nam » (Con Mén).
Chính ba tình yêu thương này đã là nội dung chính yếu được diễn tả một cách chân thật trong các truyện của ông, chẳng những trong những truyện của « Tuyển Tập Tiểu Tử », mà còn trong từng truyện và trong tất cả những truyện ngắn mà Tiểu Tử đã sáng tác. Và chính ba tình yêu thương này, « Yêu thương Nước Việt Nam, Yêu thương Người Việt Nam và Yêu thương Tiếng Việt Nam » đã làm rất nhiều độc giả quí mến Tiểu Tử và đọc sách của ông.
Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam, đang lưu vong ở hải ngoại, hay đang sinh sống trong quốc nội ; là kẻ vô tổ quốc hay là người yêu thương Việt Nam, sẽ càng ngày càng đông tìm đọc Tiểu Tử, và càng ngày càng đông nhận ra rằng tình yêu cao quí nhất của họ trên đời này là tình yêu Nước Việt Nam, tình yêu Người Việt Nam và tình yêu Tiếng Việt Nam. (Trần Văn Cảnh Bài phát biểu trong buổi ra mắt sách « Tuyển Tập Tiểu Tử » tại Paris, ngày 050616)
Nhà văn Từ Thức: Tiểu Tử, những giọt nước mắt, những tiếng thở dài
André Gide nói ‘’ C’est avec les beaux sentiments qu’on fait de la mauvaise littérature ‘’ ( Với những tình cảm tốt, người ta làm văn chương dở ) (1) . Tiểu Tử là một nhà văn đã chứng minh ngược lại, có thể viết hay với những tình cảm tốt. Trong tác phẩm của ông, hầu như chỉ có những tình cảm tốt , chỉ có tình người. Một nhân vật nói về một nhân vật khác trong truyện ngắn ‘’Made in Vietnam’’ : người chi mà tình nghiã quá héng ? ‘’ . Độc giả nghĩ tới câu đó mỗi lần lại gần những nhân vật của Tiểu Tử. Người chi mà tình nghiã quá héng. Độc giả chai đá tới đâu , đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong một xã hội đảo lộn, vẫn còn đầy tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghiã đồng bào vẫn còn những người tử tế . Và thấy đời còn đáng sống. Một nhà văn Pháp nói văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực.
Miệt Vườn
Tiểu Tử là một nhà văn miền Nam điển hình, con đường nối dài của những Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Văn của ông là lối kể chuyện của người miền Nam, bình dị nhưng duyên dáng, duyên dáng bởi vì bình dị, tự nhiên. Tiểu Tử không ‘’ làm văn ‘’ . Ông kể chuyện ; không có chữ thật kêu, không có những câu chải chuốt. Với cách viết, với ngôn ngữ chỉ có những tác giả miền Nam mới viết được. Không hề có cường điệu, không hề có làm dáng. Người đọc đôi khi có cảm tưởng tác giả không mấy ưu tư về kỹ thuật viết lách. Ông viết với tấm lòng. Ngay cả tên những nhân vật cũng đặc miền Nam, không có Lan, Cúc, Hồ Điệp , Giáng Hương như trong tiểu thuyết miền Bắc, không có Nga My, Diễm My , Công Tằng Tôn Nữ như Huế, chỉ có những con Huê, con Nhàn, con Lúa, thằng Rớt, thầy Năm Chén, thằng Lượm , bà Năm Chiên, bà Năm Cháo lòng. Các địa danh cũng đặc Nam kỳ, không có Cổ Ngư, Vỹ Dạ, Thăng Long, chỉ có những Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, Gò Keo, Bình Quới, những tên, những địa danh rất ‘’miệt vườn’’, chỉ đọc cũng đã thấy dễ thương, lạ tai, ngồ ngộ. Âm thanh như một câu vọng cổ ai ca bên bờ rạch. Tiểu Tử , 88 tuổi, kỹ sư dầu khí, tác giả nhiều tập truyện ngắn ( Những Mảnh Vụn, Bài ca Vọng Cổ, Chuyện Thuở Giao Thời ) học ở Marseilles, hiện sống ở ngoại ô Paris, nhưng văn của ông không lai Tây một chút nào. Rất Việt nam, đúng ra rất Nam Việt, với lối viết như người ta kể chuyện bên ly la de, bên tô hủ tíu, với những chữ nghen, chữ héng, chữ nghe..’’ Cần gì cứ nói nghe cô Hai, đừng ngại. Mình với nhau mà ..’’.Dưới ngòi bút của một tác giả người Bắc, người Trung, gọi người đàn bà là con Huê, con Nhàn có vẻ hỗn, ở Tiểu Tử, nó chỉ có sự thân ái. Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Tiểu Tử đã chứng tỏ ngôn ngữ địa phương, cách diễn tả địa phương làm giầu cho văn hoá dân tộc. Cố gắng bắt chước lối diễn tả Hà Nội là một lầm lỗi, nó chỉ làm cái vốn văn hoá của ta nghèo đi. ( Sự thực Hà Nội ngày nay không còn gì là nơi văn vật, cái gì cũng ‘’ đéo ‘’. Còn báo Nhân Dân không ? Đéo còn, chỉ còn Người Hà Lội )
Những giọt nước mắt
Văn chương là hư cấu, nhưng đọc Tiểu tử, người ta thấy cái chân thực, có cảm tưởng không có chi tiết nào là kết quả của tưởng tượng. Tất cả đều là những chuyện tác giả đã sống, hay đã nghe kể lại . Vả lại, ở Việt Nam, thực tế vượt xa tưởng tượng. Cái đau đớn, cái thảm kịch mỗi người Việt Nam đã, đang sống, không có người viết văn nào, giầu óc tưởng tượng tới đâu, có thể bịa ra. Trong ‘’ Thầy Năm Chén ‘’, ông thầy thuốc, suốt đời làm việc nghiã, bị cách mạnh hành hạ, chuẩn bị cho con vượt biên. Khi giã từ con, ông đưa cho con, thằng Kiệt, ‘’ một cái gói mầu đỏ đã phai màu, cột làm nhiều gút’’ , nói : ‘’cho con cái ni (ông già người gốc Huế ). Con giữ trong người để hộ thân.’’ Kiệt đến Cannada an toàn, một ngày dở cái gói của cha cho ngày vượt biển. Trong đó có … ba cái răng vàng. Thầy Năm Chén, nhờ ơn cách mạng, trở thành vô sản đã cạy ba cái răng vàng cho con làm của hộ thân đi tìm đường sống ở xứ người. Độc giả hiểu tại sao từ ngày con đi, ông Năm Chén chỉ húp cháo. ‘’ Chiếc Khăn Mùi Xoa ‘’ có thể coi là điển hình cho truyện ngắn Tiểu Tử , trong đó có sự xúc động cao độ, đẫm nước mắt, với những nhân vật nhân hậu, giầu tình nghiã, những chi tiết éo le như một cuốn phim tình lãng mạn, nhưng đơn giản, chân thực. Một người Việt tị nạn ở Pháp về thăm nhà, gặp những người bạn học cũ, trong đó có nhân vật chính, ‘’ con Huê ‘’, sự thực là một người đàn bà đã đứng tuổi. Ông ta kể lại : ‘’Con Huê tiễn tao ra cổng, đứng ngập ngừng một lát rồi bỗng nói một mạch, là lạ, như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ : Anh qua bên Tây , gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh . Nó nói rồi bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay quệt nước mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê, nói với tao : Anh biết không, chị Huê thương anh Cương từ hồi còn nhỏ lận . Người con gái ở quê mình nó thật thà, trung hậu đến mức độ mà khi trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là tự nhiên , phải có nước lớn nứơc ròng ‘’. Tiểu Tử viết chuyện tình âm thầm của người đàn bà từ ngày còn đi học, tới ngày nay đã bạc đầu, với người bạn trai ngày xưa tên là Cương, nhưng sóng gíó 75 đã khiến người đàn ông bỏ nước đi lánh nạn. Người con gái của ông Cương, đang sống ở Bruxelles, đọc truyện, cho tác giả hay bố mẹ đều đã qua đời. Trước khi chết, Cương dặn con gái : ‘’ Con ráng tìm cách về Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, trao cái này cho cô Hai Huê, nói ba không quên ai hết ‘’. ‘’Cái này ‘’ là một bao thư, trong đó có chiếc khăn mùi xoa cô Huê đã tặng Cương thời trẻ. Người con gái thấy thương bố , thương cô Hai Huê không cùng. Cô gái đi Việt Nam, một xứ xa lạ, tìm về Nhơn Hoà, Cồn Cỏ, tìm người đàn bà tên Huê để trao lại kỷ vật của người đã qua đời. Cô Hai Huê xỉu đi khi nghe tin người bạn xưa đã chết. Hai người đàn bà, một già, một trẻ ôm nhau khóc. Cô gái mang cô Hai Huê sang Bỉ, sống với nhau như mẹ con. Người chi mà…Nếu bạn là người tưởng mình có tâm hồn sỏi đá vì đã sống, đã chứng kiến đủ mọi thảm kịch của đời sống, nhất là đời sống của một người Việt Nam, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình đang lau nước mắt.
Không Điên Cũng Khùng
Thế giới truyện ngắn của Tiểu Tử xoay quanh hai đề tài chính: những kỷ niệm về một Miền Nam hiền hoà, chất phác, nhân hậu ngày xưa, với những trò vui đùa, nghịch ngợm của đám bạn bè trẻ, những mối tình mộc mạc của những người dân quê và, sau đó, những đảo lộn sau 75, khi tai họa trên trời giáng xuống. ‘’ Tất cả đều bị xáo trộn, bị nghịch lý đến nỗi tao sống trong đó mà lắm khi phải tự hỏi : làm sao có thể như vậy được ‘’. Một xã hội vô tư, kể cả vùng quê, trở thành địa ngục. Chỉ còn hận thù, phản trắc, gian sảo, cướp đoạt, dối trá. Những nhân vật của Tiểu Tử không còn cười đuà, vui chơi, dễ dãi nưã. Đó là những nhân vật đầy ưu phiền như ông Tư, như bà Hai, như thầy Năm Chén, như anh Bẩy, như bà Năm Cháo lòng. Một xã hội đổ nát, rách bươm. ‘’Những người ‘’cách mạng’’ xông vào nhà, ngang nhiên hùng hổ, như một bọn cướp. Họ ‘’bươi ‘’ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trước ra sau, từ sau ra trước…giống như gà bươi đống rác.Gặp gì kiểm tra nấy. Vậy rồi…hốt hết. ‘’ Sau 75 , người ta truyền nhau một câu ca dao mới : Thằng khôn thì đã vượt biên. Những thằng ở lại không điên cũng khùng. Các nhân vật của Tiểu Tử, vốn là những người miền Nam hiền lành, dễ tin, yêu đời, nhiều người đã hết lòng với ‘’kháng chiến ‘’, sau ‘’ cách mạng’’, đều bị đàn áp, gia sản bị cướp đoạt trắng trợn trong những chiến dịch ‘’ đánh tư sản mại bản ‘’ trở thành không điên cũng khùng...
Ông Tư (trong IM LẶNG ) là người có gia sản ở Saìgòn, đã bí mật đóng góp tài chánh cho "Giải Phóng". Khi Cộng Sản chiếm miền Nam, không những không được trả ơn, mà bị hành hạ, gia sản bị cướp sạch. "Bỗng nhiên ông Tư nhận thức rằng tất cả những gì thuộc về ông bây giờ chỉ còn lại người vợ cuả ông đang chờ đợi ông ở nhà". Nhưng bà vợ tiếc cuả, uất hận vì bị cách mạng lưà gạt, suốt ngày đay nghiến, trách móc chồng. Rốt cuộc hai vợ chồng tìm được cách chạy sang Pháp, nơi con trai ông đã được bố mẹ gởi đi du học, đã thành đạt, có nhà cưả sang trọng. Ông con hỏi bố ở chơi bao nhiêu ngày. Ông Tư nói ở lại luôn. Ông con nói, giọng đặc "Việt kiều yêu nước": "Ủa, sao lại ở luôn. Bây giờ nước nhà độc lập rồi, không còn thằng nào ngồi trên cổ mình hết; vậy mà ba má bỏ qua đây luôn. Thiệt là vô lý". Ông Tư trở thành một người câm, không nói gì với ai nưã. Cho đến một hôm ông lầm lũi lội xuống biển cho nước cuốn đi. Ông Tư là một ‘’ thằng khôn’’ đã vượt biên, nhưng cái đau đớn bám ông già cho dù có trốn ở cuối chân trời, cuối cùng chỉ có nước biển mới rửa sạch.
Bà Hai ( trong Thằng Đi Mất Biệt ), con cái chết, gia tình tan nát, suốt ngày ngồi chờ đưá con trai còn lại bị đưa đi cải tạo. ‘’ Khi trời nắng ráo, bà đi tuốt ra ngoài vàm rạch, lên ngồi trên môi đất có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy, ‘ khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám đông, mình cũng nhìn ra đươc nó liền hà ‘’.
Thầy Năm Chén, phòng mạch bị chiếm, con trai phải bỏ đi vượt biển. ‘’Chia tay nhau mà hai cha con không dám ôm nhau. Sợ người ta để ý. Thầy không đưa con ra cổng nghiã trang. Sợ người ta để ý. Thầy không dám để rơi một giọt nước mắt. Sợ người ta để ý. Thầy chỉ thở dài. Thời buổi bây giờ chỉ thở dài là không ai để ý. Bởi vì ai cũng thở dài hết".
Ông già bới rác ( truyện cùng tên ) là một ông già có công với "cách mạng", bi cách mạng cướp hết không còn manh giáp, trở thành khùng, suốt ngày lang thang ngoài đường bới rác, ‘’ tao bới rác để kiếm mấy thằng Việt Cộng tao đã nuôi trong nhà ‘’
Trong Những Mảnh Vụn , người yêu "đi chui bán chánh thức", nghiã là đi vượt biển do cán bộ tổ chức, biệt tăm, chắc mất xác vì tầu quá cũ bị chìm , anh Bâỷ suốt ngày, như một người mất hồn, đi qua lại tất cả những nơi ngày xưa hai người vẫn hẹn hò. "Bẩy không biết mình đang đi lượm những những mảnh vụn của cuộc tình. Nếu không có cái "ngày cách mạng thành công" đã thật sự thành công trong nhiệm vụ đập nát tất cả những gì của miền Nam, kể cả những gì nhỏ bé nhứt, tầm thường nhứt như tình yêu của chàng trai và cô gái đó ‘’.
Bà Năm cháo lòng "vẫn bán cháo lòng, lâu lâu vẫn chửi thằng con mà giống như bà chửi cả nước". Đọc Tiểu Tử, người ta không thể không xúc động. Nhưng văn Tiểu Tử cũng đầy nét khôi hài, những nhận xét ngộ nghĩnh. Phòng mạch của Thầy Năm Chén "bịnh nhơn cũng vắng. Làm như người ta sợ quá rồi… quên bịnh. Trái lại, bên phía chuà thì lại đông người lui tới và ngày nào cũng có người. Làm như người ta chỉ còn biết… dựa vào Phật". Qua vài nét chấm phá, ông ghi lại những cảnh trái tai gai mắt, những cảnh lố bịch của những người thắng trận. Những cảnh không biết nên cười hay nên khóc diễn ra trước mắt, mỗi ngày, chỉ cần ghi lại, không cần thêm thắt, bình luận. André Gide: Plus un humouriste est intelligent, moins il a besoin de déformer la réalité pour la rendre significative ( Một nhà khôi hài càng thông minh, càng không cần bóp méo sự thực để làm cho nó có ý nghiã ). Tiểu Tử không cần bóp méo sự thực, chỉ việc cúi xuống lượm, ghi lại những cái lố lăng, đảo lộn luân thường diễn ra mỗi ngày, trước mắt.
Muốn hiểu lịch sử, hay xã hội trong một giai đoạn lịch sử, không gì hơn là đọc các nhà văn. Hơn là những sử gia, những nhà biên khảo, nhà văn, trong vài chữ, vài nét, cho thấy mặt thực của xã hội. Văn chương đi vào trái tim, trong khi biên khảo chỉ đi vào trí óc. Không có xúc động, rất khó có cảm thông, không có cảm thông, không sống với người trong cuôc, làm sao hiểu được ? Một câu danh ngôn : "một người chết là một bi kịch, một triệu người chết chỉ là một con số thống kê". Nhà văn không làm thống kê, chỉ ghi lại bi kịch của mỗi nhân vật, của tôi, của anh , của mỗi người. Mỗi câu chuyện là một bi kịch ; hay bi hài kịch - farces tragiques - của một thời đảo điên.
Truyện ngắn Tiểu Tử, với lối hành văn bình dị, linh động là một cuốn tự điển sống của ngôn ngữ miền Nam thời chưa loạn. Đó là kho tàng quý; trong khi ở hải ngoại, chữ Việt càng ngày càng lai Tây, lai Mỹ; trong nước càng ngày càng lai Tầu, với những chữ, những lối nói ngớ ngẩn, đôi khi kỳ quái, khiến tiếng Việt không còn là tiếng Việt, báo hiệu một ngày người Việt không còn là người Việt. Và, từ đó, nước Việt không còn là nước Việt. Phạm Quỳnh: tiếng Việt còn, nước Việt còn… Truyện ngắn Tiểu Tử là những giọt nước mắt, những tiếng thở dài, nụ cười đùa cợt trong những ngày bình an và ngay cả, nhất là, trong cơn đớn đau cùng cực. Ông là một nhân chứng quý báu của một giai đoạn bi thảm của một thuở giao thời. "Chuyện Thuở Giao Thời" là tựa tập truyện sau cùng của tác giả. Nhưng chữ thuở giao thời còn nhẹ quá. Phải nói là một cuộc đổi đời ghê rợn nhất trong lịch sử dân tộc Việt, một dân tộc vốn đã quen ăn nằm với máu và nước mắt (2) . (Từ Thức, Paris Jan 2015).
1. A.Gide muốn nói muốn viết văn, phải đi vào tận cùng tâm khảm của con người. Và nếu đi tới cùng, sẽ thấy nhiều cái xấu, cái lở lói. Bản chất con người phức tạp, đời sống phức tạp, cái xấu cái tốt lẫn lộn. Văn chương phải lột trần được cái sự thực đó.
2. Trên đây là bài nói chuyện nhân dịp ra mắt sách của Tiểu Tử ở Paris, ngày 03/01 /2015 . Những đoạn văn được trích dẫn từ ba tuyển tập truyện ngắn : Những Mảnh Vụn , Tiếng Ca Vọng Cổ, ChuyệnThuở Giao Thời. Điạ chỉ e-mail liên lạc : [email protected]
Hội Ái Hữu ĐHSP SG
|
|